GS Nguyễn Tiến Hưng đang ký tặng tác phẩm mới của ông cho những độc giả ái mộ
(Hình Triết Trần / Người Việt)
WESTMINSTER - Khoảng gần 800 đồng hương gốc Việt ở Nam California đã đến tham dự buổi ra mắt sách của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng viết về “Tâm Tư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu,” được tổ chức tại phòng hội lớn của Westminster Rose Center vào chiều 16 tháng 5.
Có thể nói đây là một cuộc ra mắt sách được đồng hương lưu tâm nhiều nhất từ trước đến nay tại hải ngoại. Theo ông Ðinh Quang Anh Thái, trong ban tổ chức, thì có đến sáu cơ quan truyền thông và báo chí lớn ở Nam California cùng yểm trợ cuộc ra mắt sách này.
Vào lúc khai mạc, hội trường lớn của Westminster Rose Center đã kê 600 ghế nhưng đã không đủ nên phải xếp thêm đến 200 ghế nữa. Ðiều đáng ghi nhận là có đến 70% người tham dự đều mua sách, người một cuốn, người hai, ba cuốn và đều được tác giả trân trọng ký tặng bằng những hàng chữ cho riêng từng người.
Nhà bình luận Nguyễn Xuân Nghĩa mở đầu buổi ra mắt sách sau khi phần nghi lễ chào cờ Mỹ Việt hoàn tất. Nhân danh là một người bạn của tác giả và đại diện cho nhật báo Việt Báo và nguyệt san KBC Hải Ngoại, nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa kể lại câu chuyện sáu, bảy công ty Mỹ muốn về VN làm ăn và họ muốn vận động Quốc Hội Mỹ bãi bỏ cấm vận, đã hỏi ông về số tài khoản của VNCH sau 30 tháng 4 năm 1975 để họ tìm cách đòi lại phần tài sản họ đã bỏ lại sau 30 tháng 4 năm 1975. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết người Mỹ họ rất tinh khôn, nên những người như ông và tác giả Nguyễn Tiến Hưng có được may mắn du học ở nước ngoài trong khi cả thế hệ mình phải ở trong lính chiến đấu, biết được những điều ấy nên rất mong mỏi khi về nước sẽ đóng góp được gì cho đất nước. Nhưng, ông nói, “Chúng tôi đã không có dịp, vì thế nên tác giả, Giáo Sư Nguyễn Tiến Hưng cũng như anh em chúng tôi rất uất ức và Nguyễn Tiến Hưng đã viết đến ba cuốn sách để nói lên điều mà chúng tôi phải ôm hận trong lòng.”
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cũng mong ông Hoàng Ðức Nhã, một nhân vật từng bên cạnh Tổng Thống Thiệu nhiều năm nên viết lại sự việc và diễn biến trong thời gian ấy để cho dư luận người Mỹ hiểu biết cũng như cho các thế hệ người Việt sau này. Ông nói, “Không viết lại, là có tội.” Bởi vì, theo ông Nghĩa, “chỉ những người bại trận mới suy nghĩ, tìm hiểu sự bại trận của mình. Còn người thắng trận thì họ mải mê tung hô nhau (làm sai lạc lịch sử) và chia chác những quyền lợi và tài sản chiếm được. Nên, sách của Giáo Sư Nguyễn Tiến Hưng là những dữ liệu giá trị cho chúng ta tìm hiểu. Từ đó xem có thể rút ra được kinh nghiệm giúp ích gì cho chúng ta không.”
Giáo Sư Nguyễn Tiến Hưng, tác giả cuốn sách được ra mắt hôm nay, tỏ ra hoan hỉ khi thấy số người tham dự ngoài dự tưởng của mình. Ông ngỏ lời cảm ơn mọi người, ban tổ chức, giới truyền thông và những người trong gia đình ông đã hỗ trợ cho ông hoàn tất được như ý muốn tác phẩm thứ ba này.
Tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã nhắc lại khi tác phẩm đầu “Hồ Sơ Mật Dinh Ðộc Lập” được viết xong, ông đã bị ba nhà xuất bản Mỹ từ chối, nhưng dù chưa ra được cũng gây được ảnh hưởng cho Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Mỹ trong vấn đề thuyền nhân Việt Nam. Ông nói, “Chúng ta chỉ còn biết tranh đấu bằng cái mồm la lên thật to.”
Trong cuốn thứ ba này, tác giả mong rằng nó sẽ giúp cho giới trẻ VN nay là công dân Hoa Kỳ sẽ rút ra được những bài học cho đất nước thứ hai của họ. Tác giả Nguyễn Tiến Hưng nhấn mạnh “chỉ có sắc tộc VN mới đóng góp cho đất nước Hoa Kỳ những bài học để xây dựng một nước Mỹ có tâm có lòng.”
Tác giả Nguyễn Tiến Hưng cũng lên án nhân vật Kissinger rất nhiều và khá mạnh mẽ mà ông phàn nàn rằng không hiểu sao “danh dự của đất nước Hoa Kỳ thật là cao mà lại có những lỗ hổng để cho những người như Kissinger lọt vào được chính quyền.”
Sau câu chuyện mào đầu, tác giả nói đến cuốn sách qua hoàn cảnh nghèo nàn của đất nước. Ông đưa ra thực tế “tháng năm, tháng giáp hạt” ở miền Nam, năm nào cũng thiếu gạo cho quân và dân. Thế là phải đi cầu viện. Cầu viện kinh tế cũng gian lao vất vả vì những thế lực chính trị của các nhân vật trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Ông kể vị dân cử giữ chức chuẩn chi trong Hạ Viện HK lại có một công ty cung cấp gạo và ông ta giới thiệu công ty này, nhưng luật lệ là phải đấu thầu nên việc xin được viện trợ gạo cũng phải “lobby” khôn khéo lắm mới vượt qua được những cửa ải như thế.
Ðến cầu viện quân sự thì trong hoàn cảnh Hoa Kỳ đã bắt tay được với Trung Cộng, muốn bỏ rơi VN, thì cả Tổng Thống Thiệu cũng như chính phủ của ông đã phải nuốt bao uất hận nhục nhằn để mong cứu vãn được tình hình sống còn của VNCH. Tác giả kể khi đó ông là tổng trưởng Kế Hoạch luôn được Tổng Thống Thiệu cử sang Hoa Kỳ để vận động trước tình cảnh đó, mong ông trong chỗ quen biết với những giới chức Hoa Kỳ từng là bạn học trước, có thể giúp đỡ cho mình. Nhưng chỉ nhận được sự đáp ứng là, “Thiệu là diều hâu, chỉ có cách cắt hết mọi viện trợ thì mới chấm dứt được chiến tranh VN.” Tác giả kể “ông Thiệu đã phải chịu đựng hàng ngày những chuyện bất ưng, nhục nhã như thế. Và nhắc đến tâm tư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng là nhắc đến tâm tư của chúng ta.”
Tác giả cũng kể nhiều chi tiết, tài liệu để chứng minh rằng việc ký kết Hiệp Ðịnh Paris là việc bắt buộc VNCH phải ký, phải chấp nhận hòa hợp hòa giải với chính phủ Giải Phóng Miền Nam, ông Thiệu phải từ chức vào cuối tháng 4 và phải ra khỏi nước. Ðó là những lời của Kissinger nói với Ðại Sứ Martin để ông đại sứ này nói lại với Tổng Thống Thiệu.
Tác giả cũng mong muốn có một cuộc “đối chất” với ông Kissinger trên bất cứ diễn đàn nào để làm sáng tỏ lịch sử trong giai đoạn đó nhưng vẫn chưa được hồi âm.
Kết luận cuộc nói chuyện ra mắt cuốn sách thứ ba của mình, tác giả Nguyễn Tiến Hưng cho rằng mặc dầu có những lầm lẫn, yếu kém nhưng miền Nam chúng ta đã hy sinh tối đa, từ dân chúng cho đến lãnh đạo, ngay cả việc chuyển quyền từ Tổng Thống Thiệu qua cụ Hương đến ông Minh và cả từ ông Minh sang cho phía Cộng Sản đều được êm thấm, rõ ràng là khác biệt với tình hình Afghanistan hiện nay.
Nguyên Huy / Người Việt
Bộ Ảnh:
0 comments:
Post a Comment